-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách loại bệnh nghề nghiệp của tài xế hay mắc phải
Lái xe đường dài là công việc khá nặng nhọc và vất vả. Việc cầm lái liên tục trong thời gian dài, ăn uống và nghỉ ngơi không điều độ khiến sức khỏe suy yếu và dễ mắc phải một số căn bệnh “nghề nghiệp”. Nếu bạn đang làm công việc này, cùng VIETMAP tìm hiểu các loại bệnh nghề nghiệp của tài xế thường gặp và cách phòng tránh qua bài viết dưới đây.
I. Top 7 bệnh nghề nghiệp của người lái xe thường gặp
1. Bệnh đau lưng
Đây là căn bệnh thường gặp nhất ở những người làm nghề tài xế bởi tính chất của công việc này là phải ngồi liên tục trong thời gian dài khiến cột sống chịu áp lực lớn. Đồng thời, người lái xe cũng không có nhiều thời gian để vận động nên máu lưu thông không được tốt, gây co cứng cơ; từ đó dẫn đến các bệnh liên quan đến xương khớp.
2. Bệnh mỏi cổ, vai gáy
Mỏi vùng cổ, vai, gáy cũng là một trong những bệnh lý mà người tài xế thường mắc phải. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình ngồi lái xe lâu, dây thần kinh ở cổ bị chèn ép dẫn tới máu không được tuần hoàn tốt, khiến cơ thể bị ê nhức, tê cứng. Hoặc có thể do tuổi tác cao, khiến thoái hóa đốt sống cổ, ngồi sai tư thế,... gây ra bệnh mỏi cổ, vai, gáy.
3. Bệnh đau dạ dày
Việc ăn uống không điều đồ do phải di chuyển liên tục trên đường có thể khiến tài xế bị đau dạ dày. Ngoài ra, sử dụng nhiều thực phẩm chua/cay/nóng, uống nhiều rượu/bia, đồ ăn không đảm bảo chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày ở tài xế.
4. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ cũng là một bệnh nghề nghiệp hay gặp ở người tài xế. Nguyên nhân của bệnh này là do phải ngồi lâu ở một vị trí khiến vùng ổ bụng bị áp lực, sự hồi lưu máu bị cản trở khiến giãn tĩnh mạch hậu môn. Hơn thế, việc “nhịn” đi vệ sinh, hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia và ăn ít chất xơ thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ táo bón, dẫn đến bệnh trĩ.
5. Bệnh béo phì
Do tính chất công việc khiến tài xế ít có cơ hội vận động và thường xuyên ăn uống nhiều thức uống, đồ ăn chế biến sẵn nên lượng calo trong cơ thể dư thừa nhiều khiến mỡ tích tụ dẫn tới béo phì.
6. Bệnh mất ngủ
Lịch di chuyển của tài xế thường không cố định, dẫn tới rối loạn giờ giấc nghỉ ngơi trong ngày, đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh mất ngủ. Không những thế, để gia tăng sự tập trung tài xế thường sử dụng chè đặc, nước tăng lực hay cà phê,... Sau một thời gian dài sử dụng thì làm cho sức khỏe suy yếu, cơ thể mệt mỏi, gây ra tình trạng mất ngủ.
7. Bệnh về mắt
Cuối cùng, tài xế thường gặp các vấn đề về mắt bởi họ phải tập trung cao độ dù ở ban ngày hay ban đêm khiến cho mắt suy yếu, bị khô và giảm thị lực. Ngoài ra, các tác nhân như không khí bụi bẩn, ô nhiễm cũng dễ khiến mắc các tật về mắt.
II. Cách phòng tránh nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp
Để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng tránh các bệnh nghề nghiệp của tài xế, các bác tài cần:
1. Ngồi đúng tư thế
Trước khi bắt đầu hành trình, người tài xế nên điều chỉnh ghế, chỉnh vô lăng xe sao cho tạo được tư thế ngồi thoải mái và chuẩn xác nhất. Khi ngồi lái thì toàn bộ phần lưng người phải áp sát lưng ghế, đầu được nâng đỡ bởi tựa đầu. Bạn cũng nên sắm thêm đệm lót ghế để tạo sự nâng đỡ, giảm áp lực cho cột sống.
2. Nghỉ giữa chặng đường
Sau mỗi 2 giờ hoặc sau 200km chạy xe liên tục, các bác tài nên dừng xe để vận động, thực hiện vài động tác giãn cơ đơn giản và tranh thủ nghỉ ngơi, đi vệ sinh, rửa mặt, ăn uống,...
3. Tranh thủ vận động khi dừng đèn đỏ
Nếu gặp đèn đỏ mà phải dừng lâu, tài xế có thể tranh thủ thực hiện vài động tác đơn giản như cử động toàn thân, xoay cổ, vươn vai, tập thể dục ngón tay, mát xa mắt và thay đổi tư thế để tăng cường máu lưu thông tốt hơn, tránh bị co cứng cơ.
4. Chú ý chế độ ăn uống
Tài xế nên tập thói quen ăn uống đúng giờ, không nên bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Đặc biệt hạn chế lạm dụng cà phê, nước tăng lực, trà, thuốc lá… để không ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sức khỏe.
Trên đây là một số thông tin về các loại bệnh nghề nghiệp của tài xế thường gặp. VIETMAP hy vọng qua bài viết này bạn sẽ biết được cách phòng bệnh và không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân để có thể gắn bó lâu dài với nghiệp lái.