-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Cách đọc ký hiệu đặc trưng trong bản vẽ đường giao thông
Để đọc được bản vẽ xây dựng, người dùng cần nắm vững những thông tin quan trọng liên quan đến ký hiệu, thông điệp của bản vẽ. Đã có nhiều trường hợp vì hiểu sai bản vẽ dẫn đến công trình ngoài đời thực không như kỳ vọng của chủ nhà. Bài viết dưới đây, VIETMAP sẽ chia sẻ đến bạn các ký hiệu trong bản vẽ đường giao thông chuẩn xác, nhanh chóng và hiệu quả nhất.
I. Khái niệm bản vẽ xây dựng
Bản vẽ xây dựng là tổ hợp mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt và mặt bên của các vật thể trong công trình phục vụ cho việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Bản vẽ này được người thiết kế dùng để thể hiện hình dạng tổng thể của công trình thông qua các ký hiệu theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam. Bản vẽ xây dựng có thể được chuẩn bị bằng tay hoặc bằng phần mềm thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD).
II. Các loại bản vẽ trong xây dựng
1. Bản vẽ xây dựng phác thảo
Đây là bản vẽ đơn giản được sử dụng với mục đích điều tra và truyền đạt các nguyên tắc thiết kế cũng như khái niệm thẩm mỹ. Người dùng có thể thông qua bản vẽ này để khám phá những ý tưởng ban đầu của kiến trúc sư dễ dàng, nhanh chóng.
2. Bản vẽ xây dựng thi công
Bản vẽ này có tác dụng cung cấp những thông tin về kích thước, đồ họa có thể sử dụng trong công trình để phát triển và đánh giá các tùy chọn nhằm hỗ trợ kiến trúc sư đưa ra phương hướng, sau đó trao đổi ngắn gọn với gia chủ.
3. Bản vẽ kỹ thuật
Đây là bản vẽ dùng để xác định các yêu cầu về kỹ thuật sản phẩm hoặc các thành phần, phụ kiện. Thông qua bản vẽ kỹ thuật, gia chủ sẽ hiểu rõ ràng và chính xác về đặc tính, số lượng và tính chất của những vật liệu cần thiết để tạo nên một thiết kế hoàn chỉnh cho không gian nhà ở.
III. Tác dụng của bản vẽ xây dựng
1. Tiết kiệm chi phí
Bản vẽ xây dựng sẽ giúp bạn tính toán số lượng vật liệu cần thiết cũng như toàn bộ chi phí cần bỏ ra. Nếu có khoảng phát sinh thì vẫn trong tầm kiểm soát của bạn.
2. Ước lượng khối lượng vật tư
Bạn có thể dựa vào bản vẽ xây dựng để chuẩn bị vật tư, đảm bảo việc thi công diễn ra được thuận lợi và đúng giai đoạn.
3. Đảm bảo tính thẩm mỹ
Dựa vào bản vẽ xây dựng, chủ nhà sẽ hình dung được công trình của mình sau khi hoàn thiện có đảm bảo tính thẩm mỹ, công năng sử dụng hay không. Từ đó, chủ đầu tư có thể thay đổi dựa trên mong muốn và ý kiến của chủ nhà hoặc kiến trúc sư để công trình được hoàn thiện nhất.
IV. Các quy định, ký hiệu trong bản vẽ xây dựng
1. Quy định về khung bản vẽ và khung tên trong bản vẽ xây dựng
Trong bản vẽ xây dựng, khung bản vẽ có hình chữ nhật và được dùng để giới hạn phần giấy và nội dung mô tả chi tiết. Khung được vẽ bằng nét liền đậm, cách mép giấy 10mm đối với khổ A0, A1 và 5mm đối với khổ giấy A2, A3, A4. Sau khi thiết kế xong, các bản vẽ sẽ được đóng thành tập hoàn chỉnh đưa cho chủ đầu tư. Trong đó, các cạnh khung bản vẽ được giữ nguyên trừ cạnh trái của khung cách mép giấy 25mm để đóng gáy. Người thiết kế có thể đặt khung tên bản vẽ kỹ thuật theo chiều ngang hoặc chiều dọc tuỳ vào phong cách của mình. Tuy nhiên, hầu hết các bản vẽ hiện nay đều có khung tên được đặt ở cạnh dưới và góc bên phải. Trong đó, các chữ ghi trên khung tên phải có dấu hướng lên trên hoặc hướng sang trái của bản vẽ để thuận tiện cho việc tìm kiếm bản vẽ và giữ cho bản vẽ không bị thất lạc. Nội dung trong khung tên gồm:
STT | Nội dung cần ghi |
1 | Phần ghi chú bao gồm: Lần nộp, nội dung điều chỉnh và ngày nộp |
2 | Tên chủ đầu tư, địa chỉ và chức danh nếu có |
3 | Tên dự án và địa chỉ dự án |
4 | Tên công trình |
5 | Tên đơn vị tư vấn thiết kế, địa chỉ, chức danh, ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu công ty |
6 | Hạng mục thực hiện: Kết cấu, kiến trúc hoặc điện nước |
7 | Tên bản vẽ |
8 | Số hợp đồng |
9 | Giai đoạn thực hiện |
10 | Năm hoàn thành |
11 | Tỉ lệ bản vẽ |
12 | Ký hiệu bản vẽ |
2. Tỷ lệ bản vẽ xây dựng
Tỷ lệ bản vẽ là tỉ số giữa kích thước trên hình ảnh biểu diễn và kích thước tương ứng đo ngoài thực tế. Tuỳ vào khổ bản vẽ, kích cỡ và mức độ phức tạp của đối tượng cần biểu diễn mà chúng ta sẽ chọn một trong những tỷ lệ sau: 1:5, 1:10, 1:50, 1:100, 1:200, 1:500, 1:1000 hoặc 1:2000, cụ thể như sau: - Tỉ lệ 1:50.000 - 1:2000 là bản vẽ được thu nhỏ lại rất nhiều so với thực tế, thường áp dụng với những tỷ số có kích thước lớn như bản đồ, bản đồ đô thị, vùng hay các thị trấn nhỏ và sử dụng trong quy hoạch đô thị, quy hoạch tổng thể hay các khảo sát quang trắc trên không. - Tỉ lệ 1:1000 - 1:500 là bản vẽ được sử dụng khi kiến trúc sư cần cái nhìn tổng quan về công trình và vị trí của nó trong mạng lưới đô thị. Tỉ lệ này sẽ làm nổi bật các cơ sở hạ tầng và thành phần hữu ích cho cuộc khảo sát về chiều cao công trình. - Tỉ lệ 1:250 - 1:200 là bản vẽ thường tập trung vào mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng trong các tòa nhà lớn hoặc các thành phần không gian và bố cục. - Tỉ lệ từ 1:150 - 1:100 là bản vẽ được sử dụng cho lần tiếp cận đầu tiên của các công trình nhỏ. Đối với các tòa nhà lớn thì kiến trúc sư sẽ dự tính các bản vẽ và mô hình chi tiết, xác định rõ yếu tố cấu trúc và bố cục. - Tỉ lệ 1:75 - 1:25 là bản vẽ thể hiện kết cấu, bố cục và sự liên hệ giữa các tầng hoặc phóng to các phòng để trình bày chi tiết thành phần về hệ thống ống nước, điện hoặc kết cấu. - Tỷ lệ 1:20 - 1:10 là bản vẽ thể hiện các đồ nội thất, hoạt động của các thành phần, cấu trúc và chi tiết bản vẽ. - Tỷ lệ 1:5 - 1:1 là bản vẽ thể hiện các chi tiết kỹ thuật với độ chính xác cao. Tùy vào quy mô công trình, yêu cầu thực tế khi thiết kế mà kiến trúc sư sẽ chọn tỉ lệ phù hợp. Trong đó, 1:100 là tỷ lệ được sử dụng nhiều nhất cho các hồ sơ thiết kế nhà, biệt thự và nhà phố hiện đại.
3. Ký hiệu trong bản vẽ xây dựng
3.1 Quy định về nét vẽ trong thiết kế
Bản vẽ xây dựng quy định cụ thể về nét vẽ để kiến trúc sư và người thực hiện thi công dựa vào đó hiểu được các thông tin liên quan đến bản vẽ. Nếu trong bản vẽ có nhiều nét vẽ trùng nhau thì ưu tiên thứ tự sau: - Nét liền đậm (đường bao thấy và cạnh thấy) - Nét đứt (đường bao khuất và cạnh khuất) - Nét chấm gạch mảnh (giới hạn mặt phẳng cắt có hai nét đậm ở hai đầu) - Nét chấm gạch mảnh (trục đối xứng và đường tâm) - Nét liền mảnh (đường kích thước)
3.2. Quy định về ghi kích thước trong bản vẽ
Trong bản vẽ xây dựng, kích thước được chia làm 3 phần gồm đường dóng, đường kích thước và con số kích thước. Khi biểu diễn kích thước, các kiến trúc sư cần thực hiện theo thứ tự: vẽ đường dóng, đường kích thước sau đó ghi con số kích thước. Trong phần kích thước lại có những quy định cụ thể như sau: - Kích thước trên bản vẽ là kích thước thật của vật thể và không phụ thuộc vào tỷ lệ của hình biểu diễn - Đơn vị đo kích thước là mm, không ghi đơn vị sau con số kích thước - Đơn vị đo cao trình là m, không ghi đơn vị sau con số kích thước - Đơn vị đo kích thước góc là độ, phút, giây và ghi đơn vị sau con số kích thước
3.3. Các ký hiệu thường được dùng trong bản vẽ xây dựng
- Ký hiệu cửa đi: biểu thị cho các loại cửa đơn, cửa kép, cách mở cánh cửa và không liên quan đến vật liệu, cấu tạo hay kỹ thuật ghép, lắp dựng vào tường.
- Ký hiệu cầu thang và đường dốc: thể hiện tất cả các loại cầu thang và đường dốc thoải nhưng không liên quan đến vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nếu bản vẽ tỉ lệ là 1:100 hoặc lớn hơn thì ký hiệu cầu thang phải thể hiện chi tiết vật liệu, cấu tạo theo tỷ lệ tính toán của kết cấu.
- Ký hiệu vách ngăn: được thể hiện bằng nét liền đậm và kèm chú thích về vật liệu. Trong trường hợp bản vẽ tỉ lệ 1:50 hoặc lớn hơn thì ký hiệu vách ngăn cần thể hiện chi tiết vật liệu và cấu tạo theo tỷ lệ tính toán của kết cấu.
- Ký hiệu các bộ phận cần sửa: được sử dụng cho những ký hiệu cần sửa và giải thích các thông số cần thiết.
- Ký hiệu vật liệu xây dựng: giúp bạn biết được vật liệu nào đang được sử dụng trong công trình, nhằm giám sát tiến độ công việc đang thực hiện.
- Ký hiệu bản vẽ thiết kế nội thất: là những ký hiệu đồ dùng nội thất cơ bản được sử dụng trong nhà. Các ký hiệu này được vẽ trên nguyên lý mặt bằng, hình chiếu từ trên nhìn xuống với mặt cắt cao độ 900mm.
V. Cách đọc bản vẽ xây dựng theo đơn giản và dễ hiểu nhất
- Bước 1: Đọc bản vẽ tổng mặt bằng để biết mối liên hệ giữa các hạng mục cũng như không gian cảnh quan xung quanh công trình. Bạn chỉ cần đọc lần lượt từ mặt bằng tầng 1, tầng 2 rồi đến phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, phòng thờ, nhà vệ sinh, khu hành lang, cửa chính và cửa phụ.
- Bước 2: Đọc bản vẽ phối cảnh để hiểu, hình dung tổng thể của ngôi nhà sau khi hoàn thiện.
- Bước 3: Đọc bản vẽ mặt đứng để nắm sơ bộ hình dáng kiến trúc bên ngoài công trình.
- Bước 4: Đọc bản vẽ mặt cắt để hiểu không gian mỗi tầng trong công trình.
- Bước 5: Đọc bản vẽ kết cấu, quan tâm đến các thông số như móng, cột, dầm, sàn và cầu thang.
1. Cách đọc bản vẽ mặt bằng
Trong hồ sơ thiết kế, bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng là bản vẽ đầu tiên. Hình cắt bằng của các tầng với các mặt phẳng nằm ngang là mặt bằng của ngôi nhà và chúng cách sàn khoảng 1,5m. Mặt bằng công trình thể hiện các khoảng không gian phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng vệ sinh, cửa đi, hành lang và cầu thang. Khi đọc bản vẽ mặt bằng, bạn cần lưu ý những điều sau: - Dãy kích thước sát đường bao mặt bằng là kích thước của các mảng tường và lỗ cửa - Dãy thứ 2 là kích thước khoảng cách các trục tường, trục cột - Dãy ngoài cùng là kích thước giữa các trục tường biên theo chiều dọc chiều hay ngang Cách đọc chính xác bản vẽ mặt bằng là: - Kích thước chiều dài, chiều rộng thông thủy của mỗi phòng - Kích thước để xác định vị trí và chiều rộng các lỗ cửa nằm trên tường hoặc vách ngăn, chiều rộng các cánh thang - Kích thước và chiều dày tường, vách ngăn, kích thước mặt cắt cột - Kích thước ghi diện tích từng phòng (m2) có nét gạch dưới con số chỉ diện tích - Trong bản vẽ mặt bằng, bạn sẽ thấy các ký hiệu đồ dùng nội thất cũng có cầu thang chỉ hướng đi lên bằng đường gấp khúc nếu là nhà cao tầng.
2. Cách đọc bản vẽ mặt đứng
Bản vẽ mặt đứng là hình chiếu thẳng góc thể hiện hình dáng bên ngoài của ngôi nhà. Đây là yếu tố giúp bạn thấy được vẻ đẹp nghệ thuật, hình dáng, tỷ lệ cân đối giữa kích thước chung và kích thước từng bộ phận trong ngôi nhà. Mặt đứng của ngôi nhà là hình dáng nhìn bên ngoài, từ trước, sau hay từ trái hoặc từ phải. Để đọc bản vẽ mặt đứng chính xác, bạn xác định mặt đứng hướng ra phía nhiều người qua lại.
3. Cách đọc bản vẽ mặt cắt
Bản vẽ mặt cắt là mặt phẳng cắt tưởng tượng thẳng đứng song song với mặt phẳng hình chiếu cơ bản cắt ngang không gian trống của ngôi nhà. Nếu mặt cắt bố trí theo chiều ngang thì là hình cắt ngang còn bố trí theo chiều dọc là hình cắt dọc. Mặt cắt này cho biết chiều cao các tầng, các lỗ cửa sổ và cửa ra vào, kích thước tường, cầu thang cũng như vị trí, hình dáng chi tiết kiến trúc ngang trang trí bên trong phòng.
4. Cách đọc bản vẽ phối cảnh
Bản vẽ phối cảnh cho bạn hình ảnh giống như thực tế về công trình, giúp bạn hình dung được ngôi nhà sau khi hoàn thiện sẽ như thế nào. Hiện nay, kiến trúc sư có thể tạo bản vẽ phối cảnh với màu sắc tự nhiên, gần giống như ngôi nhà thật của bạn nhờ vào công nghệ và nhiều phần mềm tiên tiến.
5. Cách đọc bản vẽ kết cấu
Trong bản vẽ kết cấu sử dụng các nét vẽ chủ đạo như sau:
- Cốt chịu lực: nét liền đậm (s - 2s)
- Cốt phân bố, cốt đai: nét liền đậm vừa (2s)
- Đường bao quanh cấu kiện: nét liền mảnh (3s)
- Con số ghi trước ký hiệu φ chỉ số lượng thanh thép nhưng nếu chỉ dùng một thanh thì không cần ghi
Ở đường dóng nằm ngang, số sau chữ L chỉ chiều dài thanh thép còn số đứng sau chữ a chỉ khoảng cách giữa hai trục thanh thép kế tiếp cùng loại. Bạn chỉ cần ghi đầy đủ đường kính, chiều dài của thanh thép tại hình biểu diễn thanh cốt thép đó lần đầu tiên còn những lần sau thì chỉ cần ghi số ký hiệu. Khi đọc bản vẽ kết cấu, bạn cần quan tâm:
- Xem cách bố trí cốt thép trên hình chiếu chính, từ đó căn cứ vào số hiệu thanh thép để tìm vị trí của chúng trên mặt cắt và hình khai triển
- Các mặt cắt nên bố trí gần hình chiếu chính, nếu mặt cắt vẽ theo tỉ lệ khác với tỉ lệ của hình chiếu chính thì ghi rõ tỷ lệ của mặt cắt đó. Thông thường, bản vẽ kết cấu bê tông cốt thép vẽ theo tỷ lệ 1:20, 1:50 hoặc 1:100.
6. Cách đọc bản vẽ móng nhà ở
Trong bản vẽ móng nhà ở, bạn sẽ thấy được 5 chi tiết, 5 mặt cắt của các loại móng như sau:
- Mặt cắt móng
- Chi tiết cổ móng
- Mặt cắt tường móng
- Mặt cắt dầm chân thang
- Chi tiết móng đơn
Trên đây là các thông tin cơ bản và các bước cần thiết giúp bạn biết cách đọc bản vẽ xây dựng. Hy vọng qua bài viết này của VIETMAP, mọi người hiểu rõ hơn về các ký hiệu trong thiết kế cũng như phần nào giám sát được tiến độ công trình.