Việt Nam

Hướng dẫn cách chỉnh ghế lái xe ô tô, tư thế ngồi lái xe không đau lưng

Chỉnh ghế lái xe ô tô có vai trò rất quan trọng, giúp người lái có một tư thế lái chuẩn để thực hiện các thao tác lái linh hoạt, thoải mái, chuyên nghiệp, đồng thời hạn chế tình trạng đau lưng khi điều khiển phương tiện đường dài. Vậy cách chỉnh ghế lái xe ô tô đạt chuẩn? Hãy cùng VIETMAP tìm hiểu qua bài viết dưới đây để được giải đáp thắc mắc này.

cach chinh ghe lai xe o to

I. Cách chỉnh ghế lái xe ô tô chuẩn nhất 

1. Chỉnh độ cao ghế

Độ cao ghế đạt chuẩn là khi tài xế có thể nhìn rõ kính chắn gió và cửa kính xe, phần hông và đầu gối phải bằng nhau, hông cao hơn hoặc bằng đầu gối.  Nếu xe không có tính năng điều khiển chiều cao ghế thì bạn có thể dùng đệm lót ghế ô tô để nâng chiều cao. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý không chỉnh ghế quá cao vì sẽ bị cúi người khi lái xe.

2. Chỉnh khoảng cách ghế

Hãy trượt ghế ra phía sau một khoảng đủ lớn, sau đó ngồi vào ghế rồi từ từ trượt về trước để tìm được điểm dừng chính xác. Khoảng cách ghế đạt chuẩn là khi: - Chân không cần duỗi hết cỡ để đạp chân ga hoặc phanh cũng không bị co lại - Đầu gối hơi gập nhẹ - Ngồi tựa sát vào ghế, giữa chân và ghế có một khoảng trống nhỏ bằng 2 ngón tay - Tay cầm vô lăng và tạo với khuỷu tay 1 góc 120 độ, khoảng cách vai đến vô lăng từ 25 – 30 cm

3. Chỉnh tựa lưng ghế

Tựa lưng ghế đạt chuẩn là phải tạo với đệm ngồi một góc 100 độ. Nếu vai bị nhấc ra khỏi tựa lưng khi xoay vô lăng thì có nghĩa là tựa lưng đã bị ngả ra sau quá nhiều. Còn nếu khuỷu tay co nhiều thì tức là tựa lưng bị đứng. Khi điều chỉnh tựa lưng đúng chuẩn, bạn sẽ dễ dàng điều khiển vô lăng với khuỷu tay chỉ hơi gập nhẹ (khoảng 120 độ) và cơ thể luôn dựa vào tựa lưng, phần mông sát với ghế. Điều này sẽ giúp lưng được nâng đỡ, qua đó tránh việc ngồi lái xe nhiều bị đau lưng.

4. Chỉnh tựa đầu ghế

Bạn nên chỉnh tựa đầu ghế xe sao cho đỉnh đầu ngang với cạnh trên của tựa đầu. Nếu đầu bị cao hơn tựa đầu thì bạn phải kéo cao tựa đầu lên. Trường hợp đầu bị thấp hơn tựa đầu thì cần chỉnh hạ thấp tựa đầu xuống. Còn nếu bạn muốn vùng cổ và gáy được nâng đỡ tốt hơn, giảm mỏi cổ khi lái xe nhiều thì có thể sử dụng gối tựa đầu ô tô.

5. Chỉnh đệm đỡ thắt lưng

Phần nhô lên ở bên dưới tựa lưng ghế chính là đệm đỡ thắt lưng. Tiến hành điều chỉnh đệm này sao cho cạnh dưới nằm ngang với đường eo lưng. Độ sâu của đệm phải lấp đầy đường cong lưng dưới. Nếu xe không được bố trí sẵn đệm lưng thì bạn có thể tự trang bị thêm. Việc sử dụng đệm lưng nhằm giúp nâng đỡ và giảm áp lực cho các đốt sống dưới cũng như hạn chế tình trạng ngồi lái xe nhiều bị đau lưng.

II. Hướng dẫn tư thế ngồi lái xe ô tô đúng cách

cach chinh ghe lai xe o to

1. Cơ thể áp sát lưng ghế

Bạn hãy điều chỉnh cơ thể luôn áp sát vào lưng ghế, phần lưng áp sát vào tựa lưng ghế và phần mông áp sát sâu vào ghế. Nếu cơ thể đã áp sát vào ghế nhưng tay vẫn phải với tới vô lăng hoặc chân phải chòm tới bàn đạp ga/phanh thì bạn cần chỉnh lại ghế ngồi ngay lập tức. Việc áp sát vào lưng ghế sẽ giúp cho cột sống được nâng đỡ và giảm áp lực đáng kể, qua đó tránh tình trạng đau lưng khi ngồi lái xe liên tục.

2. Giữ vô lăng ở vị trí 9 và 3 giờ

Bạn hãy tưởng tượng vô lăng là một mặt của đồng hồ treo tường, thì tay trái sẽ đặt vào vị trí 9 giờ, còn tay phải sẽ đặt vào vị trí 3 giờ. Đây là cách cầm vô lăng chuẩn nhất cho tài xế. Bạn phải luôn điều khiển vô lăng bằng hai tay vì nếu lái xe bằng một tay dễ khiến vặn cột sống gây đau lưng.

3. Chân phải điều khiển bàn đạp ga và phanh

Đặt chân phải thẳng hàng với bàn đạp phanh (ở chính giữa). Khi lái xe, bạn phải giữ nguyên gót chân tại vị trí này, chỉ đẩy mũi chân hướng về phía bàn đạp ga. Nếu muốn đạp phanh thì nhả chân ga, sau đó chuyển mũi chân trở về hướng thẳng để nhấn bàn đạp phanh. Trường hợp chạy xe hộp số sàn thì chân trái dùng để điều khiển bàn đạp côn. Nếu bạn lái xe hộp số tự động, hộp số tự động vô cấp hay hộp số ly hợp kép… thì chân trái phải giữ cố định trên chỗ để chân bên trái và tuyệt đối không dùng chân trái để đạp phanh.

4. Cài dây an toàn vắt ngang qua xương chậu

Nhiều người thường lầm tưởng cài dây an toàn đúng chuẩn là phải cài vòng qua đùi hay bụng. Tuy nhiên, vị trí đúng khi thắt dây an toàn là đai ngang phải bám vào xương chậu.

III. Một số lưu ý cần nhớ khi chỉnh ghế lái ô tô

cach chinh ghe lai xe o to

Chỉnh ghế lái ô tô chỉ là một trong những bước chuẩn bị cơ bản nhất trước khi lái xe để có một chuyến đi thoải mái và an toàn. Bên cạnh việc chỉnh ghế lái, bạn cũng cần:

- Chỉnh tư thế để cơ thể luôn sát với ghế. Ngoài ra, lưng và hông phải sát vào phần tựa lưng và mặt ghế. Thêm vào đó, để cơ thể được thoải mái nhất khi lái xe, tránh tình trạng bị dồn lực vào một số vị trí dễ gây cảm giác đau/ mỏi

- Chỉnh vô lăng vừa tầm: để vô lăng cách cơ thể người khoảng 25cm (áp dụng đối với cơ thể người có sải tay trung bình)

- Cầm vô lăng đúng cách

- Giữ chân trái bằng phẳng trên vị trí để chân khi không sử dụng để luôn sẵn sàng trong các tình huống cần dùng đến chân côn. Ngoài ra, điều này còn giúp chân trái đỡ lực cho lưng và xương chậu trong quá trình lái xe

- Luôn thắt dây an toàn và phải thắt dây an toàn qua xương chậu. Không cài dây an toàn qua phần đùi và trên bụng. Nếu chẳng may có tai nạn xảy ra, dây an toàn sẽ giữ phần xương chậu lại và đảm bảo an toàn cho cơ thể, giúp bạn không bị bật và giật lên phía trước. Ngoài ra, xương chậu cũng là điểm trung của cơ thể và chắc chắn hơn so với phần bụng hay đùi

Trên đây là cách chỉnh ghế lái xe ô tô mà VIETMAP muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết cách chỉnh ghế lái sao cho cơ thể có tư thế ngồi thoải mái nhất để có thể thao tác lái xe linh hoạt, dễ dàng di chuyển khi lưu thông trên đường và tránh bị mỏi/đau khớp, lưng,...


Bài viết liên quan

Tổng đài hỗ trợ
0896164567
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo