Việt Nam

Hướng dẫn cách lái xe ô tô xuống dốc, lên dốc an toàn

Lái xe lên dốc hoặc xuống dốc là những kỹ năng khó và dễ xảy ra tai nạn nếu tài xế kinh nghiệm chưa vững. Do đó, để có thể đưa xe lên xuống dốc an toàn, người lái cần phải nắm chắc các kỹ thuật xử lý trong từng tình huống. Vậy, lên xuống dốc bằng ô tô số sàn và xe số tự động khác nhau thế nào? Qua bài viết dưới đây, VIETMAP sẽ hướng dẫn cách lái xe ô tô xuống dốc, lên dốc an toàn, đúng chuẩn kỹ thuật với từng kiểu xe.

I. Hướng dẫn cách lên và xuống dốc bằng xe số sàn

1. Cách lên dốc

- Bước 1: Bạn cần tăng tốc đều khi đến gần chân dốc

Khi tới gần chân dốc, bạn nên cho xe tăng tốc từ từ nhưng vẫn phải đảm bảo ở tốc độ an toàn. Hành động này giúp tạo đà quán tính để tránh tình trạng xe leo dốc yếu. Lưu ý: Bạn chỉ nên tăng tốc nhẹ và đều, tuyệt đối không nhấn mạnh chân ga, đặc biệt là khi đường trơn hoặc đang di chuyển trong thời tiết xấu, mưa bão.  

- Bước 2: Đạp côn, chuyển lần lượt về số thấp

cach lai xe o to xuong doc

Khi tới gần chân gốc, bạn hãy nhả nhẹ bàn ga, đồng thời đạp chân côn và chuyển dần sang số thấp. Vì khi nhả ga sang số khiến vòng tua máy giảm nên bạn cần canh vòng tua máy và tốc độ xe sao cho phù hợp với số định chuyển như sau: + Với số 3, vòng tua máy dao động từ 3000 – 4000 vòng/phút, tốc độ từ 45 – 60km/h. + Với số 2, vòng tua máy dao động từ 2000 – 3000 vòng/phút, tốc độ từ 30 – 45km/h. + Với số 1, tốc độ từ 15 – 25km/h.

- Bước 3: Nhả côn, đệm ga

Khi xe đã chuyển về số thấp, bạn hãy nhả nhẹ chân côn và phối hợp đệm chân ga. Lúc này, vòng tua máy sẽ giảm nên bạn cần đệm ga mạnh hơn để có thể cân bằng vòng tua máy và tốc độ xe.

- Bước 4: Chuyển về số 1 hoặc số 2 khi thực hiện đề pa leo dốc

Tùy từng độ đứng của con dốc cần leo, bạn có thể chọn số 1 hoặc số 2 để leo dốc. Dốc có độ đứng càng cao, bạn nên chọn số càng thấp và ngược lại. Với dốc thoải, bạn có thể leo bằng số 3. Khi bắt đầu đề pa leo dốc bằng xe số sàn, bạn hãy nhả ga, đạp côn và chuyển sang số phù hợp. Tiếp theo, bạn từ từ nhả chân côn, đồng thời phối hợp với việc đệm mạnh chân ga để xe tiến lên dốc an toàn.

- Bước 5: Chuyển về số thấp hơn nếu thấy xe có hiện tượng hụt ga

Nếu thấy xe có hiện tượng kêu gầm gừ nhiều, hụt ga,… khi leo dốc thì chứng tỏ số xe đang chọn không đủ để tạo lực kéo. Với tình trạng này, bạn hãy đạp côn rồi chuyển sang số thấp hơn, sau đó nhả côn và đệm mạnh chân ga để tránh ép xe, khiến xe nóng máy hoặc bị chết máy giữa đường.

2. Cách đề pa ngang dốc

2.1. Sử dụng phanh tay

cach lai xe o to xuong doc

Đây là cách tài xế tận dụng lực hãm của phanh tay để không cần đạp phanh chân khi đề pa ngang dốc. Các bước thực hiện như sau: tài xế hãy đạp côn, vào số, sau đó từ từ nhả côn và đệm ga. Lưu ý: Trong quá trình nhả côn, nếu thấy vô lăng và cần số có hiện tượng rung chứng tỏ côn đã chạm nhau thì bạn mới nhả phanh tay. Lúc này, xe đã được đệm ga sẵn nên sẽ không bị tụt dù không đạp phanh chân.

2.2. Điều khiển phanh và ga bằng mũi và gót chân phải

Đây là kỹ thuật đề pa ngang dốc phù hợp với những tài xế có nhiều kinh nghiệm. Cách thực hiện như sau: - Đầu tiên, tài xế tiến hành đạp côn, vào số để khởi động xe - Sau đó đạp phanh để nhả phanh tay.  - Tiếp theo, người lái cần giữ phần mũi chân phải nhấn bàn đạp phanh và từ từ xoay gót chân phải sang bàn đạp ga.  Lưu ý: Trong lúc từ từ nhả chân côn thì gót chân phải cần bắt đầu đệm ga. Khi xe lăn bánh tiến lên, tài xế hãy nhảy mũi chân phải ra khỏi bàn đạp phanh và tập trung đạp ga để xe leo dốc.

2.3. Nhả phanh khi tới điểm côn

Kỹ thuật đề pa ngang dốc này yêu cầu kỹ thuật, kinh nghiệm cao trong việc nhận biết điểm côn.

Dưới đây là cách thực hiện nhả phanh khi tới điểm côn mà bạn có thể áp dụng:

- Đầu tiên, tài xế cần đạp côn, vào số để khởi động xe

- Sau đó chân trái đạp côn và chân phải đạp phanh để nhả phanh tay. 

- Tiếp theo, chân trái từ từ nhả côn để thăm dò điểm côn.

Nếu thấy vô lăng và cần số rung lên thì chân phải nhả phanh và chuyển sang đệm ga. Lúc này, chân trái từ từ nhả hết chân côn cùng lúc chân phải đạp ga sâu hơn để xe tiến lên.

3. Cách xuống dốc

cach lai xe o to xuong doc

Khi xe lên đến đỉnh dốc, bạn hãy giảm tốc độ từ từ để chuẩn bị xuống dốc, đồng thời cho xe chuyển dần sang số thấp. Để biết số nào phù hợp khi xuống dốc, bạn có thể áp dụng nguyên tắc “leo số nào thì xuống số đó”.

Lưu ý, hãy linh hoạt chọn số theo từng tình huống vì số càng nhỏ, độ hãm càng lớn và tốc độ càng chậm.

Xem thêm:

II. Hướng dẫn cách lên và xuống dốc bằng xe số tự động

1. Cách lên dốc

Với xe số tự động, việc thực hiện lên dốc đơn giản hơn ô tô số sàn vì xe đã tự động tính toán chuyển số phù hợp, người lái không cần thực hiện chọn số thủ công. Vì vậy, khi lên dốc, bạn chỉ cần để xe ở chế độ D.

Khi tới gần chân gốc, bạn hãy bắt đầu tăng tốc từ từ nhằm tạo đà sớm. Trong quá trình leo dốc, lực đạp ga mạnh nhẹ sẽ tùy thuộc vào độ đứng của dốc. 

Lưu ý: Bạn không nên đạp ga quá mạnh vì có thể làm xe bị giật, phóng nhanh nguy hiểm và không nên đạp ga quá yếu khiến xe không đủ sức leo dốc.

Trong tình huống dốc đứng, xe tải nặng, bạn có thể chuyển về chế độ số tay để kiểm soát xe tốt hơn khi leo dốc với cách làm như sau: Giảm chân ga, sau đó chuyển xe về số thấp qua lẫy chuyển số trên vô lăng (-) hoặc cần số (chuyển về M-, L/L1 hoặc D3/D2/D1). Nếu dốc càng đứng, bạn nên chọn số càng nhỏ để tạo lực kéo lớn.

2. Cách đề pa ngang dốc

cach lai xe o to xuong doc

Để đề pa ngang dốc bằng xe số tự động, bạn hãy đạp phanh, khởi động xe và nhả phanh tay. Tiếp theo, hãy chuyển số về D, nhả chân phanh và chuyển sang đạp ga để xe từ từ tiến lên. Khi áp dụng cách này, tài xế không cần quá lo lắng khi nhả chân phanh vì hộp số tự động có thể tự hãm xe trong 2 – 3 giây, tránh tình trạng tụt dốc nhanh hoặc chết máy. Khi thực hiện, bạn chỉ cần vừa nhả phanh thì lập tức đạp ga là xe sẽ tiến lên phía trước.

3. Cách xuống dốc

Khi xuống dốc bằng xe số tự động, bạn nên sử dụng chế độ chuyển số tay để luôn chủ động trong việc kiểm soát tốc độ xe, đồng thời hạn chế sử dụng phanh nhiều.

Bạn hãy chọn số tay phù hợp với độ đứng của con dốc để không cần sử dụng nhiều phanh tay. Dốc càng đứng thì bạn nên chọn số càng thấp. Trường hợp đã chuyển về số thấp mà tốc độ xe vẫn cao, cần rà phanh thì bạn hãy chuyển tới số thấp hơn nữa. Thường đối với những con dốc đứng, bạn nên chọn số thấp nhất là D1 hoặc L.

III. Cách đỗ xe đường dốc an toàn

cach lai xe o to xuong doc

Khi đỗ xe đường dốc, bạn không nên đỗ ở khúc cua, đoạn đường hẹp hoặc chỗ bị khuất tầm nhìn mà nên chọn những nơi đỗ càng xa đường chạy xe càng tốt.

Nếu dốc có vỉa hè, bạn hãy cho xe cách lề tầm 20 – 30cm, sau đó đánh vô lăng sang trái rồi nhẹ nhàng lùi xe sao cho bánh trước chèn lên bệ đường và không cần trả thẳng lái. Lưu ý, cách này không cần đánh hết lái để tránh gây hại cho xe.

Nếu dốc không có vỉa hè, bạn hãy đưa xe về vị trí đỗ song song với mép đường, sau đó đánh hết lái sang phải để lốp xe hướng ra ngoài. Cách này giúp tránh tình trạng nếu xe bị trôi thì bánh trước cũng lăn vào trong lề.

Khi đỗ xe xuống dốc, bạn nên đánh vô lăng hết lái về phía bên phải để lốp trước hướng ra ngoài đường hoặc bánh xe chèn vào gờ cao.

Sau khi đỗ xe, bạn nên phanh tay, về P và tắt máy nếu đó là xe số tự động, còn với ô tô số sàn thì về số 1 kết hợp phanh tay. Bên cạnh đó, trước khi rời đi, bạn nên tìm cục đá, thanh gỗ,… để chèn vào bánh xe.

Lưu ý: Nếu thỉnh thoảng đỗ xe trên dốc sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, hành động này lặp lại thường xuyên có thể tác động tiêu cực đến hệ thống treo, hệ thống phanh và lốp xe vì khi đỗ xe trên dốc, tỉ lệ phân bố trọng lượng của xe không đều khiến phần thấp chịu áp lực lớn hơn.

IV. Kinh nghiệm lái xe lên và xuống dốc cao bạn nên biết

1. Chỉ nên xuống dốc bằng số thấp

Bạn chỉ nên xuống dốc bằng số thấp để xe được hãm bằng động cơ, qua đó giúp kiểm soát tốc độ xe mà không cần sử dụng phanh nhiều. Bên cạnh đó, khi xuống dốc bạn không nên chuyển số về N, tránh để xe rơi vào trạng thái tự do và không thể kiểm soát.

2. Không rà phanh khi xuống dốc

cach lai xe o to xuong doc

Rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng, má phanh và đĩa nhanh bị mòn, cháy hoặc xảy ra tình trạng mất phanh. Do đó, bạn không nên rà phanh suốt quãng đường xuống dốc mà hãy về số thấp để tận dụng lực hãm từ động cơ. Trường hợp cần đạp phanh thì nên đạp dứt khoát.

3. Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước khi lên xuống dốc

Bạn nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước từ 4 – 10 giây khi lên dốc và xuống dốc. Nếu dốc đứng hoặc đường trơn trượt, khoảng cách nên giữ tối thiểu là 10 giây. Bên cạnh đó, khi leo dốc, bạn không nên bám sát đuôi xe phía trước để đảm bảo an toàn.

4. Không vượt xe khi đang leo dốc

Bạn tuyệt đối không được vượt xe khi leo dốc vì lúc này, các vị trí tầm nhìn bị hạn chế, đường không đảm bảo an toàn để vượt nên dễ xảy ra va chạm.

cach lai xe o to xuong doc

5. Nên tắt các thiết bị điện không cần thiết trên xe

Nếu xe tải nặng mà dốc đứng, bạn nên tắt tạm thời các thiết bị điện không cần thiết như: điều hòa xe, màn hình, loa,… nhằm giảm tải cho động cơ, tránh làm xe mất đà giữa chừng hay hụt ga khi leo dốc.

6. Xe xuống dốc nên nhường đường cho xe đang lên dốc

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe xuống dốc phải nhường đường cho xe lên dốc vì khi leo dốc, xe cần nhiều đà hơn để không bị tụt. Do đó, tài xế cần tuân thủ để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh.

7. Nên kết hợp phanh cơ và phanh bằng hộp số khi leo dốc, xuống dốc

Ở những đoạn đường đèo dốc dài, bạn không nên để số cao nhất mà hãy kết hợp sử dụng với phanh cơ. Bên cạnh đó, khi lái ô tô số tự động, bạn tuyệt đối không được để số N để tránh tình trạng xe bị trôi.

8. Luôn đi bám vào phần đường bên phải khi xuống dốc

Khi xuống dốc khúc quanh, bạn nên lái xe đi bám vào phần đường bên phải và không nên chạy nhanh nhằm hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm xe bị lật hoặc xử lý phanh không kịp dẫn tới tai nạn. Bài viết trên của VIETMAP đã hướng dẫn cách lái xe ô tô xuống dốc, lên dốc bằng ô tô số sàn và ô tô số tự động. Hy vọng nội dung này sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về các kỹ thuật lái xe đúng chuẩn để có một chuyến đi an toàn và đúng luật.  


Bài viết liên quan

Tổng đài hỗ trợ
0896164567
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo