Việt Nam

Tìm hiểu về chế độ lấy gió trong và ngoài xe ô tô

Hệ thống điều hòa trên ô tô được trang bị 2 chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài. Việc hiểu đúng bản chất hoạt động của hệ thống điều hòa sẽ mang tới nhiều lợi ích đặc biệt là sức khỏe, đồng thời giúp trong xe luôn mát mà vẫn tiết kiệm nhiên liệu. Vậy, khi nào nên lấy gió ngoài ô tô? Trường hợp nào nên lấy gió trong? Bài viết dưới đây của VIETMAP sẽ giúp bạn phân biệt chế độ lấy gió trong và ngoài xe ô tô.

lay gio trong va ngoai xe

I. Chế độ điều hoà lấy gió ngoài xe ô tô

1. Chế độ lấy gió ngoài là gì?

Lấy gió ngoài xe ô tô là chế độ sử dụng không khí bên ngoài môi trường. Lúc này, không khí sẽ bị hút vào bên trong nhờ bộ phận quạt gió, sau đó được lọc bụi bẩn thông qua lớp lọc gió trước khi thổi vào trong nội thất xe.

Ưu điểm lớn nhất của chế độ này là tạo ra sự lưu thông không khí trong xe. Điều đó giúp cho người lái và mọi hành khách trong xe luôn đủ oxy và không cảm thấy mệt mỏi khi ngồi lâu.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng chế độ lấy gió ngoài sẽ khiến không khí bên trong xe dễ bị ô nhiễm, đặc biệt là khi ô tô đi vào những khu vực nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu. Lúc này, hệ thống điều hòa lọc gió không thể lọc sạch và khử mùi hoàn toàn, khiến người ngồi trong khoang lái sẽ ngửi được những mùi này.

Ngoài ra, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, có sự chênh lệch lớn với nhiệt độ trong xe thì quá trình làm mát sẽ chậm hơn khi bạn chọn chế độ lấy gió này.

2. Khi nào nên lấy gió ngoài xe ô tô?

2.1. Lấy gió ngoài khi vừa vào xe và bắt đầu khởi động máy

lay gio trong va ngoai xe

Đây là thời điểm thích hợp để bạn bật điều hòa ô tô với chế độ lấy gió ngoài. Vì khi xe bị đóng kín trong thời gian dài sẽ khiến nhiệt độ bên trong cao hơn, từ đó độ ẩm trong xe tăng cao và gây ra cảm giác bí bách, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng không khí.

Lúc này, bạn nên bật chế độ lấy gió ngoài sẽ giúp không khí luân chuyển, đem tới sự thông thoáng và dễ chịu. Ngoài ra còn giúp quá trình làm lạnh diễn ra nhanh hơn.

2.2. Khi di chuyển tại khu vực có không khí trong lành, sạch sẽ

Nếu chạy xe ở khu vực không khí không bị ô nhiễm, ít khói bụi hoặc đi vào ban đêm, bạn nên bật điều hòa ở chế độ lấy gió ngoài. Điều này sẽ giúp đảm bảo lượng oxy trong xe, đồng thời giúp không khí khoang lái luôn thông thoáng, dễ chịu.

2.3. Khi di chuyển đường dài

Trong những chuyến đi dài, bạn nên bật chế độ lấy gió ngoài khoảng 5 phút hoặc hạ nhanh cửa kính với tần suất 30 phút một lần. Cách làm này giúp cho khoang lái luôn thông thoáng, đồng thời đảm bảo oxy trong xe lưu thông, từ đó tránh cảm giác mệt mỏi khi ngồi xe nhiều giờ đồng hồ.

3. Hướng dẫn cách lấy gió ngoài xe ô tô

Bảng điều khiển của hệ thống điều hòa ô tô trên taplo sẽ có 2 biểu tượng tương ứng với chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài. Trong đó, lấy gió ngoài được ký hiệu bằng hình chiếc xe có mũi tên chỉ từ bên ngoài vào trong xe. Vì vậy, để điều chỉnh chế độ lấy gió ngoài, bạn chỉ cần ấn nút hoặc gạt lẫy về phía biểu tượng này là xong.

II. Chế độ điều hoà lấy gió trong xe ô tô

1. Chế độ lấy gió trong là gì?

lay gio trong va ngoai xe

Nguyên lý hoạt động của chế độ lấy gió trong như sau: Không khí bên trong cabin sẽ được quạt gió hút ngược vào trong để lọc sạch bụi bẩn, sau đó quay trở lại các cửa gió để làm mát xe.

Ưu điểm của chế độ lấy gió trong đó là hạn chế nguy cơ bị ô nhiễm không khí hoặc xuất hiện mùi hôi từ bên ngoài bị hút vào xe. Bên cạnh đó, vì không khí bên trong thường lạnh nên khi sử dụng gió này sẽ giúp quá trình làm mát nhanh hơn so với chế độ lấy gió ngoài. Điều này giúp xe có thể tiết kiệm nhiên liệu tối đa khi bật điều hòa.

Tuy nhiên, nếu chọn chế độ lấy gió này có thể khiến khoang lái bị thiếu oxy vì bên trong khá kín, không khí không thể luân chuyển cũng như không khí từ bên ngoài lọt vào xe rất ít. Thường sau 30 – 45 phút, khoang cabin dễ bị cạn oxy, khiến người lái và hành khách trong xe cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi.

2. Khi nào nên lấy gió trong xe ô tô?

2.1. Di chuyển xe ở khu vực khói bụi, ô nhiễm

Khi lái xe trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm bởi khói bụi, khí thải và mùi lạ, bạn nên bật chế độ điều hòa lấy gió trong. Điều này giúp không khí bên trong xe luôn sạch sẽ, thông thoáng và không bị nhiễm mùi khó chịu.

2.2. Lái xe khi trời mưa hoặc thời tiết ẩm ướt

lay gio trong va ngoai xe

Trong trường hợp này, bạn nên mở chế độ lấy gió trong để hạn chế độ ẩm bị hút từ bên ngoài vào, gây ẩm mốc hệ thống điều hòa trên xe.

3. Hướng dẫn cách lấy gió trong xe ô tô

Biểu tượng của chế độ lấy gió trong ô tô là hình chiếc xe có mũi tên nằm trọn bên trong xe. Để điều chỉnh chế độ này, bạn chỉ cần ấn nút hoặc gạt lẫy về hướng biểu tượng này ở bảng điều khiển điều hòa ô tô trên taplo là được.

III. Cách bật chế độ lấy gió trong và gió ngoài ở điều hoà tự động

lay gio trong va ngoai xe

Hầu hết những dòng ô tô đời mới đều sử dụng điều hòa tự động. Điều này giúp hệ thống có thể tự điều chỉnh từ chế độ lấy gió trong sang lấy gió ngoài hoặc ngược lại trong khoảng thời gian nhất định nhằm đảm bảo lượng oxy cần thiết cho khoang lái.

Khi chọn chế độ Auto trên điều khiển điều hòa, hệ thống sẽ tự động lấy gió trong hoặc gió ngoài dựa vào nhiệt độ xe, sự chênh lệch nhiệt độ với môi trường bên ngoài hoặc theo nhiệt độ cài đặt. Nguyên lý lựa chọn của hệ thống như sau:

- Điều hòa ô tô lấy gió trong khi nhiệt độ trong xe cao hơn ngoài xe.

- Điều hòa ô tô lấy gió trong khi nhiệt độ ngoài xe cao hơn nhiệt độ cài đặt 8 – 9 độ.

- Điều hòa ô tô lấy gió ngoài khi nhiệt độ ngoài xe thấp hơn nhiệt độ cài đặt dưới 6 độ.

Ngoài ra, trên một số dòng xe cao cấp, hệ thống điều hòa được trang bị thêm cảm biến có thể đánh giá chất lượng không khí. Nếu thấy chất lượng không khí bên ngoài ô nhiễm, điều hòa sẽ tự động kích hoạt chế độ lấy gió trong để đảm bảo bên trong thông thoáng, sạch sẽ, không mùi lạ.

Bài viết trên của VIETMAP đã phân biệt rõ 2 trường hợp lấy gió trong và ngoài xe. Hy vọng nội dung này có thể giúp bạn biết cách sử dụng các chế độ điều hòa sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu nhất.

Tham khảo thêm:

Máy lọc không khí ô tô, khử mùi xe hơi tốt nhất 2023  


Bài viết liên quan

Tổng đài hỗ trợ
0896164567
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo